Các chuyên gia nước ngoài nhận định, khi Việt Nam tham gia TPP, ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh lớn - Ảnh: Diệp Dức Minh |
Phát biểu tại buổi công bố Báo cáo Thương mại Việt Nam do Maersk Line tổ chức hôm nay 10.12, ông Marco Civardi, giám đốc Damco Việt Nam và Campuchia, dẫn nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế Peterson - một tổ chức nghiên cứu chính sách phi lợi nhuận trung lập - cho biết: Trong khuôn khổ TPP (Hiệp định Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương), GDP của VN có thể tăng thêm 37,5 tỉ USD (từ mức 142 tỉ USD năm 2012) và xuất khẩu có thể đạt mức 307 tỉ USD vào năm 2025, so với con số ước tính chỉ khoảng 239 tỉ USD nếu không có TPP.
Trở thành trung tâm sản xuất mới?
Báo cáo này nhận định TPP là giai đoạn tiếp theo của Việt Nam trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu và lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là trở thành trung tâm sản xuất mới tại khu vực Thái Bình Dương.
Theo đó, trong số 12 quốc gia tham gia TPP thì Việt Nam có chi phí nhân công thấp nhất và điều này giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có khả năng cạnh tranh nhất, đặc biệt trong ngành công nghiệp dệt may, may mặc.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đang vào Việt Nam với mong muốn khai thác lợi thế của các điều khoản trong TPP, khi nhóm hàng dệt may sẽ hưởng ưu đãi thuế quan ở mức 0% so với mức từ 17 - 35% hiện nay.
Đang phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu
Tuy nhiên, còn rất nhiều thách thức và hạn chế đi kèm với TPP, cụ thể là trong lĩnh vực quản lý phát triển, công nghiệp phụ trợ và những ràng buộc của quy định nguồn gốc xuất xứ của sợi.
“Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu của mình, hiện có tới 90% nguyên liệu và máy móc được nhập khẩu, bao gồm cả Trung Quốc và các đối tác không phải là thành viên TPP”, ông Marco Civardi phát biểu.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh là Việt Nam cần phải xây dựng ngành công nghiệp nội địa để hưởng được những lợi ích đầy đủ do TPP mang lại.
Quy định về nguồn gốc xuất xứ của sợi là thách thức lớn đối với Việt Nam và có khả năng giảm thiểu các lợi ích của TPP cho ngành công nghiệp dệt may. Tuy nhiên, TPP cũng cho phép thời gian ân hạn 3 năm để các quốc gia thành viên có thể tiếp tục tìm kiếm nguồn cung từ các nước không phải trong TPP.
Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam phát triển công nghiệp phụ trợ, báo cáo nhận định.
N.Trần Tâm
Bạn có thể xem thêm: Interlining | Vải Không Dệt | Phụ Kiện May Mặc